Cách đặt tên công ty
Tên gọi là điều đầu tiên mà các khách hàng và đối tác biết về doanh nghiệp. Một cái tên dễ nhớ và gây ấn tượng sẽ là cách quảng cáo tốt nhất cho mỗi doanh nghiệp. Ngược lại, với một cái tên khó phát âm thì doanh nghiệp sẽ gặp ít nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác và phát triển công việc kinh doanh. Do vậy, bước đầu khởi nghiệp ngay từ giai đoạn đăng ký thành lập doanh nghiệp thì mong muốn chung của các doanh nhân khi đặt tên công ty là tên phải dễ nhớ, dễ phát âm nhưng vẫn đảm bảo gây được ấn tượng tốt đối với đối tác và khách hàng ngay từ khi tiếp xúc. Với nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động tư vấn cho khách hàng về đặt tên doanh nghiệp, chúng tôi đưa ra một số nguyên tắc và cách thức đặt tên doanh nghiệp như sau:
I. Nguyên tắc đặt tên và cách đặt tên
1. Nguyên tắc 1: đơn giản, hài hòa, dễ nhớ và tránh mô tả
Ấn tượng đầu tiên mà một cái tên cần phải có là làm cho các khách hàng và đối tác nảy sinh mong muốn được tiếp cận với công ty của bạn. Do đó, điểm đáng lưu ý trong đặt tên doanh nghiệp cần phải chú trọng đến yếu tố đơn giản, ngắn gọn, dễ phát âm và thường được cấu thành từ hai đến ba âm tiết cho dễ nhớ, đồng thời các âm phải được liên kết với nhau để tạo nên giai điệu gây cảm giác dễ chịu, như: Bình An, Đông Đô hoặc tạo cho người nghe liên tưởng đến những điều tốt lành, như: Hòa Phát, Đồng Tâm, Tân Cường Thành, hoặc cảm nhận được sự đơn giản nhưng cũng không kém phần mạnh mẽ, gọn gàng, như: Hoàng Anh, Kinh Đô, Vincom hoặc gây ấn tượng riêng biệt không trộn lẫn như tên của các tập đoàn nước ngoài SONY, SAM SUNG…
Ngoài ra, điểm cần tránh trong đặt tên doanh nghiệp đó là tránh mô tả dài dòng không cần thiết. Một số chủ doanh nghiệp hiện nay thường có xu hướng đặt tên công ty với càng nhiều thông tin về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình càng tốt, ví dụ “Công ty sản xuất, phân phối, lắp đặt và sửa chữa thiết bị điện ABC”, nhưng chính điều này vô hình chung lại làm tên doanh nghiệp trở nên dài dòng khó nhớ và thiếu sự nổi bật so với các đối thủ cạnh tranh đã tồn tại trước đó trong cùng lĩnh vực kinh doanh.
2. Nguyên tắc 2: Hướng tới thị hiếu và khiêu gợi sự tò mò của đối tác và khách hàng
Như đã nói ở trên, tên doanh nghiệp không chỉ bao gồm yếu tố đơn giản dễ nhớ, gây được ấn tượng tốt với khách hàng mà còn phải khơi lên sự tò mò cũng như đánh trúng thị hiếu của khách hàng. Trong tiềm thức, mọi người thường có bản năng khám phá, tìm hiểu đối với những gì khác biệt, những gì trái với quy luật tự nhiên. Bạn sẽ làm gì nếu bạn là một người yêu hoa, yêu cây cảnh và một ngày bạn vô tình thấy trên mạng tên một doanh nghiệp chuyên cung cấp và phân phối “hoa hồng xanh”, hoặc bạn sẽ lựa chọn địa chỉ nào giữa “cửa hàng bán ôtô” và “salon ôtô”. Ở đây hoa hồng màu xanh đã tạo lên sự tò mò cho khách hàng ở yếu tố độc, lạ và hiếm, còn salon sẽ tạo ra hiệu ứng chất lượng hơn là thuật ngữ cửa hàng. Đây chính là yếu tố gây tò mò và yếu tố thỏa mãn thị hiếu cùa khách hàng trong đặt tên doanh nghiệp.
3. Nguyên tắc 3: Phân chia rõ ranh giới cá nhân và doanh nghiệp, đề cao sự khác biệt, độc đáo:
Hiện nay, một trong những xu hướng thường thấy là chủ doanh nghiệp thường đặt tên doanh nghiệp bao gồm cả tên riêng của chủ doanh nghiệp với mong muốn khẳng định dấu ấn cá nhân gắn với thương hiệu doanh nghiệp do mình tạo ra. Tuy nhiên, điều này thường không mang lại hiệu ứng tích cực như mong muốn mà sẽ làm doanh nghiệp bị mờ nhạt, chìm nghỉm giữa muôn vàn các tên tương tự.
Ví dụ “Công ty Thương mại Khánh Linh”, nếu như bạn tìm kiếm trên google chưa đầy 05s bạn có thể tìm kiếm được gần 2 triệu kết quả với cái tên này nhưng là 2 triệu kết quả khác nhau, nhưng cũng với cái tên “Sony” bạn có thể tìm kiếm được gần 3 triệu kết quả nhưng là 3 triệu kết quả của cùng một thương hiệu. Lý do của việc này được lý giải như sau: Một cái tên thương mại thành công thường được gắn với yếu tố độc đáo và duy nhất, trong khi đó có cả hàng trăm nghìn người có tên giống như bạn, nên một cái tên độc đáo bao giờ cũng cho phép bạn nổi bật giữa các đối thủ cạnh tranh, còn nếu lấy tên mình đặt tên cho doanh nghiệp, thì bạn hoàn toàn có thể lẫn vào trong danh sách các đối thủ cạnh tranh đã tồn tại trước đó. Bạn chỉ nên sử dụng tên mình đặt tên doanh nghiệp trong một số trường hợp đặc biệt nếu bạn đã tạo được một thương hiệu vững chắc cho bản thân trong lĩnh vực chuyên môn của mình, ví dụ như “Christian Dior”
Đôi khi sự độc đáo, sự khác biệt cũng có thể bắt nguồn từ một cái tên không có ý nghĩa nhưng vẫn đảm bảo sự truyền cảm và dễ nhớ như “Kodak”, đến nay vẫn được xem là một thương hiệu nổi tiếng thế giới.
3. Một số cách đặt tên doanh nghiệp phổ biến hiện nay:
Thứ nhất tên công ty gắn với các địa danh, quy mô công ty, lĩnh vực kinh doanh:
Hiện nay, người ta thường lấy địa danh như: Kinh Đô, Hòa Bình,Cửu Long, Trường Giang, Hoàng Anh Gia Lai, Thủ Đô, hoặc dùng các tên gọi truyền thống hàm nghĩa an khang thịnh vượng như: Gia Bảo, Gia Thái, An Khang để đặt tên doanh nghiệp. Nhưng thịnh hành nhất hiện nay vẫn là tên công ty được viết tắt bằng các chữ cái như ACB, T&T, MB hoặc tên công ty có thể gắn với phạm vi ngành nghề kinh doanh như Công ty thiết kế nội thất Á Châu, Công ty kim loại màu Việt Nam...
Ngoài ra, một cách đặt tên thông dụng khác hay được áp dụng là sử dụng tên địa danh đối với các sản vật nổi tiếng như Rượu cần Hoà Bình, Phở Nam Định, Chè Thái Nguyên… để đặt tên doanh nghiệp, tuy nhiên khi lựa chọn phương án này các chủ doanh nghiệp cần lưu ý đến vấn đề bản quyền thương hiệu địa danh.
Thứ hai dùng hai hay ba từ có nghĩa:
Cách này được rất nhiều chuyên gia đồng ý vì có thể ngay lập tức mang lại thông tin cô đọng nhất cho khách hàng. Tiêu biểu ở Việt Nam có một số doanh nghiệp chọn được tên rất đẹp là: Tân Cường Thành; Bánh mì Ta; Bánh mì Góc Phố; Luật Trí Tâm… Tuy nhiên, không nên dùng những từ quá chung chung và quá phổ biến như Toàn Thắng, Đại Phát, Lợi Nhuận, Lừa Đảo …. Vì tuy nó có nghĩa nhưng không để lại ấn tượng tốt cho khách hàng.
Thứ ba dùng một từ vô nghĩa:
Việc đặt tên vô nghĩa tuy không mang lại thông tin nhưng về lâu dài nhưng có thể tạo ra được cả một định nghĩa mới, tạo dấu ấn không thể quên trong tâm trí khách hàng. Ví dụ Kinh Đô bây giờ không còn nghĩa thủ đô nữa mà có nghĩa là Bánh ngọt; Trung Nguyên không phải là The central land mà là cà phê, Vincom có nghĩa là bất động sản….
Ghép từ, thông thường cách này cũng sẽ tạo ra một từ vô nghĩa cho nên hiệu quả khá giống với cách trên mà vẫn đảm bảo ngắn gọn, dễ đọc và khác biệt. Tiêu biểu là kem Kido’s (viết tắt chữ Kinh Đô), giầy Biti’s (viết tắt chữ Bình Tiên), viện mẫu thời trang FADIN (Fashion Design Institute).
III. Quy định về đặt tên doanh nghiệp:
Sau khi đã lựa chọn được tên doanh nghiệp ưng ý, các chủ doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến tính pháp lý của tên doanh nghiệp mình, xem có phù hợp với các quy định của pháp luật hay không? Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014, tên doanh nghiệp phải đáp ứng được các quy định sau:
Điều 38. Tên doanh nghiệp
1. Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:
a) Loại hình doanh nghiệp. Tên loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân;
b) Tên riêng. Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
2. Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
3. Căn cứ vào quy định tại Điều này và các Điều 39, 40 và 42 của Luật này, Cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền từ chối chấp thuận tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp.
Điều 39. Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp
1. Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký được quy định tại Điều 42 của Luật này.
2. Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
3. Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Điều 40. Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt của doanh nghiệp
1. Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.
2. Trường hợp doanh nghiệp có tên bằng tiếng nước ngoài, tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp hoặc trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
3. Tên viết tắt của doanh nghiệp được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên viết bằng tiếng nước ngoài.
Điều 42. Tên trùng và tên gây nhầm lẫn
1. Tên trùng là tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt của doanh nghiệp đã đăng ký.
2. Các trường hợp sau đây được coi là tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký:
a) Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống như tên doanh nghiệp đã đăng ký;
b) Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký;
c) Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;
d) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, số thứ tự hoặc các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt và các chữ cái F, J, Z, W ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó;
đ) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi ký hiệu “&”, “.”, “+”, “-”, “_”;
e) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc “mới” ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký;
g) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông” hoặc từ có ý nghĩa tương tự.
Các trường hợp quy định tại các điểm d, đ, e và g của khoản này không áp dụng đối với trường hợp công ty con của công ty đã đăng ký.